Văn hóa Đà_Nẵng

Các địa điểm văn hóa, giải trí

Nhà hát Trưng Vương

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khá nhiều điểm vui chơi, văn hóa giải trí. Trên cơ sở một nhà hát cũ đã xuống cấp, Nhà hát Trưng Vương được xây mới và khánh thành năm 2006 với sức chứa hơn 1.200 chỗ ngồi. Đây là nơi thường xuyên tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như tuồng, cải lương và nghệ thuật sân khấu hiện đại như: vũ kịch, múa ba lê, opera, nhạc giao hưởng,...các hội thảo, hội nghị và các sự kiện văn hóa lớn của thành phố.[205]

Dành cho sân khấu tuồng ở thành phố có Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, tiền thân là Đoàn tuồng Giải phóng Quảng Nam.[206] Nhà hát mang tên nhà sáng tác, nghệ sĩ và người thầy Nguyễn Hiển Dĩnh, người có công lớn trong nghệ thuật tuồng Việt Nam.[207] Nhà hát vẫn duy trì lịch biểu diễn vào thứ 4 và thứ 7 hàng tuần.[208] Năm 2001, thành phố đã đầu tư 6 tỷ đồng để nâng cấp nhà hát.

Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm.

Cho đến năm 2013, thành phố Đà Nẵng có năm bảo tàng bao gồm: Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Khu V, Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Quân khu V) và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Trong số đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm có tiền thân là Bảo tàng Chàm được Trường Viễn Đông Bác Cổ cho xây dựng từ 1915-1916 đến năm 1936 mới hoàn tất. Bộ sưu tập nguyên thủy là do Nhà khảo cổ Henri Parmentier thu thập từ thế kỷ XIX.[209] Không gian của tòa nhà bảo tàng gần 1.000 m² với 500 hiện vật được bố trí trưng bày trong các phòng chủ đề khác nhau.[210] Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là một trong ba bảo tàng về mỹ thuật của cả nước và cũng là nơi lưu giữ và tổ chức trưng bày, giới thiệu đến công chúng các tác phẩm mỹ thuật có chất lượng nghệ thuật và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ nhân ở Đà Nẵng và các tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Bảo tàng Lịch sử thành phố Đà Nẵng được xây dựng trong khu vực Thành Điện Hải với mặt bằng trưng bày hơn 2.000 m². Thành phố cũng dự kiến xây dựng Bảo tàng Hải dương học.[211]

Bảo tàng Mỹ thuật Đà NẵngBảo tàng Đà Nẵng

Về hệ thống thư viện, năm 2012, thành phố có 3/8 quận, huyện và 13/56 xã có thư viện, 22 tủ sách tại các thôn, tổ dân phố... Hầu hết các thư viện đều ở trong tình trạng chật hẹp, nghèo nàn về đầu sách và không thu hút được người đọc. Riêng Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng hiện có khoảng 180.000 bản sách/68.000 tên, trong đó đặc biệt có 3000 bản có giá trị cao nhưng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.[212] Dự án xây dựng công trình Thư viện Khoa học Tổng hợp với tổng vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng được phê duyệt vào năm 2010 và đưa vào hoạt động năm 2015 có thể đáp ứng nhu cầu cho người đọc ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp.[213]

Thành phố Đà Nẵng có nhiều rạp chiếu phim. Rạp chiếu phim CGV Cinemas nằm trong tòa nhà Vĩnh Trung Plaza gồm 6 phòng chiếu và 854 ghế ngồi được khai trương từ ngày 3 tháng 7 năm 2008.[214] Vào ngày 30 tháng 6 năm 2015, CGV Cinemas đã khai trương thêm một rạp chiếu phim tại Vincom Đà Nẵng. Ngoài ra còn có các rạp khác như Lotte Cinema Đà Nẵng nằm trên tầng 5 và 6 của khu trung tâm mua sắm Lotte Mart với bốn phòng chiếu riêng biệt; Galaxy Cinema nằm trong siêu thị Co.opmart; Starlight nằm ở tầng 4 của chợ Siêu thị Đà Nẵng. Với ưu thế về công nghệ, trang bị hiện đại, nên lượng khán giả đổ về hai rạp này ngày càng nhiều. Trong khi đó, rạp phim Lê Độ (rạp chiếu phim lâu đời nhất ở Đà Nẵng) và Cinema Fafilm rất vắng người vì không gian nhỏ, chất lượng âm thanh và hình ảnh kém. Các quán bar, vũ trường cũng là điểm đến của một bộ phận thanh niên Đà Nẵng. Lớn nhất Đà Nẵng là Vũ trường New Phương Đông nằm trên đường Đống Đa, quận Hải Châu.

Công viên Châu Á - Asia Park Đà Nẵng do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư có diện tích 868.694 m² bên bờ Tây sông Hàn bao gồm 3 khu vực chính: công viên giải trí ngoài trời hiện đại, công viên văn hóa với các công trình kiến trúc và nghệ thuật thu nhỏ mang tính biểu trưng của 10 quốc gia châu Á và khu Sun Wheel - nơi giao thoa giữa nét hiện đại và truyền thống. Công viên giải trí tại Asia Park mang đến hàng loạt trò chơi độc đáo như tàu lượn siêu tốc, tàu điện trên cao, tháp rơi tự do, máng trượt tốc độ cao… mang đến cho du khách và người dân nhiều trải nghiệm thú vị. Công viên văn hóa mở ra một không gian phương Đông qua từng nét văn hóa đa dạng, các công trình kiến trúc lịch sử và những hoạt động nghệ thuật, ẩm thực độc đáo của 10 quốc gia châu Á: Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Campuchia, Trung QuốcViệt Nam.[215]

Công viên 29 tháng 3.

Công viên 29 tháng 3 nằm trên đường Điện Biên Phủ quận Thanh Khê với diện tích 20 ha chủ yếu là nơi người dân đến tập thể dục và đi dạo. Năm 2010, khu công viên trên Bãi biển Phạm Văn Đồng được Hội đồng Nhân dân Thành phố ra nghị quyết đặt tên là "Công viên Biển Đông". Đây còn được xem là "Công viên hòa bình" với đàn chim bồ câu hơn 1.000 con, là nơi nhiều đôi uyên ương chọn làm địa điểm chụp ảnh cưới và là địa điểm tổ chức lễ hội của thành phố.[216] Hiện nay, thành phố đang chủ trương xây dựng một số công viên có quy mô lớn như công viên vui chơi giải trí quy mô 4.000 tỷ đồng dọc theo bờ tây sông Hàn[217] hay Công viên Đại dương Sơn Trà được đầu tư 200 triệu đô la Mỹ.[218] Ngoài ra, Đà Nẵng còn có Công viên Thanh niên nằm trên đường Xuân Thủy với diện tích 21 ha, thuộc địa bàn phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu và phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, trong đó có một hồ điều hòa rộng hơn 9 ha là địa điểm vui chơi giải trí cho các hoạt động thanh niên, thiếu nhi cũng như người dân thành phố như cắm trại, sinh hoạt Đoàn-Đội.

Làng nghề

Một cơ sở chế tác đá mỹ nghệ ở làng nghề Non Nước.

Trải qua những thử thách khốc liệt của thời gian, chiến tranh loạn lạc, những làng nghề Đà Nẵng vẫn giữ cho mình nét hồn hậu, chân chất. Hết đời nọ đến đời kia, họ sống với nghề không chỉ bởi miếng cơm, tấm áo mà còn vì cái tâm của con người trên mảnh đất đã nuôi sống họ. Đà Nẵng có một số làng nghề truyền thống. Nổi tiếng nhất là Làng đá Mỹ nghệ Non Nước. Làng đá nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn thuộc phường Hòa Hải - quận Ngũ Hành Sơn. Nghề chế tác đá ở đây được hình thành vào thế kỷ XVIII do một nghệ nhân đến từ Thanh Hóa tên là Huỳnh Bá Quát sáng lập.[219] Từ vật liệu là đá cẩm thạch, những nghệ nhân nơi đây chế tác thành các tác phẩm tượng Phật, tượng người, tượng thú, vòng đeo tay,...[219] Tuy nhiên sự phát triển nhanh của làng nghề trong những năm gần đây đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước uống do các hộ đều dùng axít để tẩy rửa và tạo độ bóng cho đá. Bên cạnh đó, bụi đá và tiếng ồn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.[220]

Làng chiếu Cẩm Nê nằm cách trung tâm thành phố 14 km về phía tây nam thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với các loại chiếu hoa truyền thống. Nghề chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa theo chân các cư dân người Việt đến cư trú ở vùng đất này vào thế kỷ XV. Chiếu hoa Cẩm Nê đã từng được hiện diện trong cung vua nhà Nguyễn; những nghệ nhân Cẩm Nê xưa cũng đã từng được các triều đại vua sắc phong, ban thưởng. Chiếu Cẩm Nê có ưu điểm là viền chiếu được gấp kỹ hơn, dày hơn, bền hơn, nằm êm lưng hơn so với chiếu của các địa phương khác.[221] Mùa hè nằm chiếu thấy mát; mùa đông nằm ấm và tỏa hương đồng cỏ nội dịu nhẹ.[222]

Gắn với nghề cá và truyền thống đi biển của ngư dân, ở Đà Nẵng còn có Làng nghề Nước mắm Nam Ô được hình thành vào đầu thế kỷ XX. Nam Ô là làng đánh cá nhỏ nằm ở cửa sông Cu Đê, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Đặc trưng nhất của nước mắm Nam Ô là được chế biến từ cá cơm than,[223] đánh bắt vào tháng ba âm lịch. Chum để muối cá phải bằng gỗ mít, dưới đáy chum phải chèn sạn, chổi đót và phải lọc nước mắm bằng chuộc mới đảm bảo nước mắm tinh chất, thơm đậm. Muối ướp cá phải là muối lấy từ Nha Trang (Khánh Hòa), Quảng NgãiBình Thuận. Hạt muối phải trắng tinh, to, già, được nắng, không bị nước mưa, mang về đổ trên nền xi măng khô ráo bảy ngày cho chảy hết chất nước đắng, sau đó cho vào vại cất vài năm rồi mới đem ra làm. Một chum 200–300 kg cá, sau 12 tháng cho ra 100-150 lít nước mắm loại 1. Còn lại là nước mắm loại 2 và loại 3.[224] Sau một thời gian bị mai một bởi nghề làm pháo (Làng pháo Nam Ô) thì vào năm 2006, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ 12 tỷ đồng để phục hồi làng nghề.[225]

Lễ hội

Các lễ hội truyền thống của Đà Nẵng đã có từ rất xưa và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Lễ hội của ngư dân Đà Nẵng được gọi là lễ hội Cá Ông. "Ông" là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn trên biển cả. Lễ tế cá Ông thường được lồng ghép dưới hình thức lễ hội cầu ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá Nam. Tại Đà Nẵng, lễ hội được tổ chức trong hai ngày vào trung tuần tháng 3 âm lịch ở những vùng ven biển như Thọ Quang, Mân Thái, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp... Trong ngày lễ, bên cạnh việc cúng tế cầu mong một mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn, dân làng còn làm lễ rước trên biển. Trong phần hội, có các trò chơi dân gian đặc trưng của vùng biển như lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co... Một hình thức múa hát đặc trưng diễn ra trong lễ hội là múa hát bả trạo diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân.[226]

Lễ hội lớn nhất ở Đà Nẵng là Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960.[227] Sau một thời gian bị gián đoạn, lễ hội được khôi phục từ năm 1991, đến năm 2000 thì được công nhận là lễ hội cấp quốc gia và hiện là một trong 15 lễ hội lớn nhất cả nước.[228] Lễ hội được tổ chức vào các ngày từ 17 - 19 tháng 2 âm lịch hàng năm[229] tại Chùa Quán Thế Âm, nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn. Trong phần lễ, đặc sắc nhất là lễ rước tượng Quán Thế Âm. Ngoài ra còn có hội hoa đăng, hội đua thuyền truyền thống, biểu diễn võ thuật, chơi hô hát bài chòi[230]... Mặc dù Ủy ban Nhân dân thành phố đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh nhưng trong lễ hội vẫn còn tình trạng người lang thang ăn xin, người mù bán hương xin ăn trá hình hay tình trạng trông giữ xe với giá quá cao.[231]

Ngoài ra ở Đà Nẵng còn có một loạt các lễ hội gắn liền với các đình làng như: lễ hội Đình làng Hòa Mỹ (quận Liên Chiểu),[232] Đình làng An Hải (huyện Hòa Vang),[233] Đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang),[234]... Các lễ hội này đều nhằm thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", cầu cho quốc thái dân an, nhân dân trong làng được hanh thông an lạc. Những năm gần đây, Đà Nẵng đã tạo cho mình những lễ hội mới như lễ hội đua thuyền được tổ chức vào ngày quốc khánh 2 tháng 9 hàng năm trên sông Hàn.

Lễ hội Pháo hoa Quốc tế (tên tiếng Anh: Danang International Fireworks Festival, viết tắt: DIFF) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008, trước đây thường được tổ chức vào dịp lễ 30 tháng 4, nhưng nay Lễ hội này thường được tổ chức kéo dài trong 1 tháng (thông thường vào khoản thời gian tháng 6 hoặc tháng 7) để kết hợp cùng các hoạt động khác để tạo thêm nhiều điều thú vị, thu hút hàng nghìn người đến Đà Nẵng. Lễ hội pháo hoa năm 2013 đã có tới gần 400.000 lượt người đến thành phố.[235]

Màn trình diễn của đội Nga trong Lễ hội Pháo hoa năm 2013.

Ẩm thực

Ẩm thực Đà Nẵng chịu ảnh hưởng của ẩm thực vùng ven biển miền Trung Việt Nam, đặc biệt là vùng đất xứ Quảng nhưng vẫn có những nét đặc trưng riêng. Gỏi cá Nam Ô gắn liền với tên làng biển Nam Ô. Cá để chế biến là cá mòi, cá tớp, cá cơm... nhưng ngon nhất là cá trích. Trước khi ướp, cá được ép lấy nước để làm ráo cá và lấy nước cốt này làm món nước chấm. Rau ăn kèm với gỏi cá Nam Ô rất đa dạng và chỉ mọc trên đèo Hải Vân như cóc rừng, tim lan, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng... đã mang lại hương vị riêng cho món gỏi cá sống.

Cẩm Lệ thuộc phường Khuê Trung, quận Hải Châu có món bánh khô mè nổi tiếng trong đó người đi "tiên phong" là bà Huỳnh Thị Điểu, thường gọi là bà Liễu. Bánh khô mè được làm từ bột gạo, bột nếp, đường kính, gừng và mè. Bột gạo pha với bột nếp được cho vào khuôn, hấp cách thủy, nướng khô, "tắm" đường, "tắm" mè... Ruột bánh xốp giòn, đường dẻo, mè chín thơm, thường được người dân dâng cúng ông bà tổ tiên[222] trong những ngày giỗ tết. Hiện nay bánh được sản xuất, tiêu thụ quanh năm cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó còn có bánh tráng Túy Loan. Theo phong tục của người dân Túy Loan cứ mỗi dịp lễ tết nhất là những ngày giỗ kỵ bánh tráng là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên.

Ngoài ra ở Đà Nẵng còn có nhiều món ăn ngon tuy không gắn liền với tên một địa danh cụ thể nhưng vẫn mang những nét đặc trưng riêng như món Mì Quảng Đà Nẵng, Bánh xèo Đà Nẵng, Bánh tráng cuốn Thịt heo, thịt Bê thui, Bún chả cá, bún mắm, mít trộn, ốc hút, bò né...

Một số bài hát về Đà Nẵng

Bài hátTác giả - Nhạc sĩCa sĩ thể hiệnThể loại
Đà Nẵng Quê ta giải phóng rồiNguyễn Đức ToànBích LiênCách mạng
Cô Du kích Đà NẵngThanh AnhKim OanhCách nạng
Sông Hàn vang tiếng hátHuy DuNSƯT Kiều HưngCách mạng
Đà Nẵng Thành phố tôi yêuThanh AnhPhi Thúy HạnhTrữ tình
Đà Nẵng tình ngườiĐình ThậmAnh ThơTrữ tình
Chiều Đà NẵngTrần HoànPhương AnhTrữ tình
Đà Nẵng Thành phố tuổi thơ tôiHoàng DũngTrọng TấnTrữ tình
Đà Nẵng yêu thươngAn ThuyênTrữ tình
Đà Nẵng mến yêuCẩm LyTrữ tình

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đà_Nẵng http://14.176.231.50/lib/index.php/ph%C3%A1t-tri%E... http://www.hnszw.org.cn/data/news/2009/06/43638/ http://www.antaranews.com/berita/331364/marzuki-hu... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/149343 http://www.danangportvn.com/Default.aspx?PageId=25... http://www.danangportvn.com/Default.aspx?PageId=64 http://danangtheatre.com/Default.aspx?FunctionID=2... http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/su-kien-han... http://www.erct.com/4-ChiaSe/SuuTam/Dia_danh_Da_Na... http://books.google.com/books?id=0FKCuR0i0SMC&lpg=...